<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 11) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Tác giả:

Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 11) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm

Tác giả Hòa thượng Thích Minh Tâm

07/11/201408:26 (Xem : 2349)

* * * * * * * * *


Chùa Khánh Anh sau 30 năm (bài số 11)

          Giai đoạn hoạt động 1 = (1975-1989)

          4/ Sinh hoạt tín ngưỡng trong phạm vi nước Pháp

          4. Toulouse từ năm 1985 : Toulouse là 1 thành phố thuộc miền Nam nước Pháp nằm sâu trong nội địa gần giáp ranh với nước Tây Ban Nha. Từ trước vẫn có nhiều sinh viên Việt Nam du học thành tài tại nơi đây. Hiện tại Toulouse là một thành phố kỹ nghệ nổi tiếng của Pháp, chuyên về sản xuất máy bay Airbus.
          Sau 1975, một số gia đình Việt Nam tỵ nạn cũng được phân phối về đây sinh sống. Họ làm đủ các thứ ngành nghề để nuôi con em ăn học. Có một số bà con VN có mặt từ trước (có lẽ sau biến cố 1954) thì khá giả hơn mở ra các tiệm ăn với các bảng hiệu Việt Nam như Sàigòn, Đàlạt... quảng cáo các món ăn quen thuộc của Việt Nam như chả giò, bánh cuốn...
          Nhưng sinh hoạt tín ngưỡng về Phật giáo đến với bà con ở thành phố này thì có phần chậm trễ và cũng có nhiều điểm đặc biệt không giống các nơi khác.
          Thông thường chúng tôi đến một nơi nào, cũng bắt đầu bằng một buổi lễ Phật, như Lễ Phật Đản, Lễ Vu lan hay lễ Tết, Rằm tháng giêng. Sau khi làm lễ, nói chuyện quen biết, từ đó bà con mới đặt nền tảng để tiến tới các sinh hoạt tiếp theo. Và cuối cùng mới nghĩ đến việc tạo dựng một ngôi chùa làm cơ sở cho con đường tín ngưỡng lâu dài.
          Ở Toulouse, thì không phải vậy. Tôi đến đây vì một lý do khác. Đó là lễ Truy niệm Liệt sĩ Trần văn Bá. Chắc mọi người Việt ở Pháp vẫn chưa quên anh Trần văn Bá, một sinh viên Việt Nam du học trước 75, đã có lần giữ chức Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris. Sau 75, anh bí mật về nước hoạt động kháng chiến. Bị CSVN bắt đưa ra tòa xử với bản án tử hình và anh bị hành quyết vào cuối năm 1984 tại Việt Nam.
          Qua sự hy sinh đặc biệt của anh, nơi nào ở hải ngoại cũng đều xúc động, tổ chức làm lễ tưởng niệm, nhất là tại Pháp. Các thành phố lớn như Paris, Lyon, Marseille đều có tổ chức. Và chậm hơn mới đến thành phố Toulouse. Một số kiều bào VN tại đây liên lạc lên Paris mời tôi về làm 1 buổi lễ cầu nguyện tưởng niệm anh Trần văn Bá. Đúng ra là 3 liệt sĩ, thêm 2 vị nữa là Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch cũng đồng lãnh án tử hình trong phiên tòa này, vì có hoạt động chống lại CSVN trong nước. Buổi lễ được tổ chức theo nghi thức tôn giáo tại trụ sở Amitié - France Asiatique ở thành phố Toulouse ngày 27/1/1985. Nhiều bà con VN đi dự, trong đó đủ thứ tín ngưỡng. Nhưng nghi lễ chỉ có hai phần: Thiên chúa và Phật giáo. Nghi lễ Thiên chúa giáo, không có linh mục nào, chỉ có một nhóm tín hữu tại đây lên trước bàn thờ đọc kinh thánh. Về Phật giáo, một mình tôi làm chủ lễ. Tôi kêu gọi một số Phật tử trong các bà con hiện diện ở đây tham gia thành 1 ban hộ niệm cấp tốc. Không thành thạo lắm nhưng cũng khá trơn tru cũng tạo cho bà con hiện diện 1 cảm giác thiêng liêng bùi ngùi tưởng niệm những người quá cố đã anh dũng hy sinh cho quê hương xứ sở.
          Đó là lý do tôi đến Toulouse và cũng là cơ hội đầu tiên quen biết một số bà con phật tử tại đây để làm nền tảng đi tới việc tổ chức các sinh hoạt phật sự, lập hội Phật giáo và lập chùa sau này.
          Nhưng người đầu tiên đưa tôi tới đây cũng như đứng ra vận động tổ chức buổi lễ đầu tiên này (kể cả lập hội Phật giáo về sau) không phải là phật tử mà là đạo chúa. Theo lời ông nói, ngày xưa khi còn ở Việt Nam, gia đình ông là Phật giáo. Ông đến lập nghiệp sinh sống ở Toulouse khá lâu nên mọi người đều quen biết, kêu ông bằng một tên vui vui: "Ông Bảy Chùa". Ông thứ bảy trong gia đình và nghe nói có mở một nhà hàng ăn có tên là "La Pagode" cho nên mọi người quen gọi Ông Bảy Pagode hay gọn hơn Ông Bảy Chùa.
          "Ông Bảy Chùa" lái xe đón tôi, rồi sau buổi lễ, cũng chính ông đưa tôi đi thăm qua loa thành phố Toulouse. Sau cùng, ông chở đến một gia đình ở trong một chung cư khá xa thành phố. Ông nói: "Ở đây tôi chỉ biết có gia đình này là Phật tử, có chỗ để nghỉ lại một đêm và hứa sẽ nấu cơm chay cho Thầy ăn tối nay".
          Vào nhà thăm viếng nói chuyện, tôi mới biết đúng như lời ông Bảy nói. Trong nhà chỉ có 2 ông bà cụ già và một người con gái khoảng chừng 30 tuổi. Nhà rất rộng có nhiều phòng trống. Có một phòng thờ Phật. Nghe nói Ông bà cụ có rất nhiều con cái. Dần dần các con có gia đình, có việc làm nên dọn ra riêng ở xung quanh. Chỉ còn lại ông bà và cô con gái chưa lập gia đình. Ông cụ bị chứng bệnh liệt nửa người nằm một chỗ. Cô con gái săn sóc cho cha, nấu cơm, giặt giũ cho mẹ rất là chí hiếu.
          Bữa cơm chay dọn lên. Có thêm mấy người Phật tử làm lễ ban chiều kéo đến thăm. Cũng mời ăn cơm, nói chuyện vui vẻ. Sau bữa cơm, tôi có xin vào thăm ông cụ. Cụ nằm thiêm thiếp, chỉ có "ư, ư" và ra dấu. Ngày hôm sau, trước khi từ giả, ông Bảy Chùa chở tôi ra ga, tôi có hứa, nếu ông cụ mất xin liên lạc cho tôi biết, nếu không có Thầy nào, tôi sẽ xuống hộ niệm tụng kinh, đưa ông cụ.
          Sau này, vào những ngày ông cụ trở nặng rồi mất, gia đình có liên lạc lên chùa Khánh Anh, nhưng rủi thay, lúc đó tôi đang đi Phật sự bên Hoa Kỳ, nên gia đình được chỉ dẫn đến chùa Linh Sơn. HT. Thích Huyền Vi lúc bấy giờ cử nhiều Thầy Cô xuống Toulouse tụng niệm. Đích thân Hòa Thượng cũng có xuống làm lễ tang cho gia đình và tổ chức thuyết pháp tại nhà.
          Sau lễ tang ít lâu, cô con gái xuất gia tại chùa Linh Sơn Paris, tức là Sư Cô Trí Lạc ngày nay, trụ trì chùa Linh Sơn ở Cugnaux, bên ngoài Toulouse.
          Trở lại câu chuyện sinh hoạt phật sự và lập hội, lập chùa tại Toulouse. Sau kỳ lễ như nói ở trên, tôi còn có dịp xuống Toulouse nhiều lần. Gần nhất sau đó là Lễ Cầu an đầu năm Ất Sửu tại Club Unessco Toulouse chiều thứ bảy 2/3/1985 (nhằm ngày 11/1 âl).
          Sau kỳ lễ này, một Hội Phật giáo được lập ra, một Ban Chấp Hành được bầu tại chỗ (và bổ túc thêm) danh sách như sau :
          - Hội Trưởng : Ông Huỳnh văn Quyên (Minh Đạt).
          - Phó Hội Trưởng : Bà Xuân, Bà Kinh Phát.
          - Tổng Thư ký : Ông Khâm.
          - Phó Thư ký : Ông Tịnh.
          - Thủ quỹ : Ông Sáng.
          - Phó thủ quỹ : Ông Bá.
          - Trưởng ban giao tế : Ông Kiệt.
          - Cổ động kiêm sáng lập viên : Ông Nguyễn Adrian.
          Ông Nguyễn Adrian không ai xa lạ chính là "Ông Bảy Chùa". Dự án hoạt động đầu tiên là tổ chức Đại Lễ Phật Đản được quyết định vào ngày thứ Bảy 25/5/1985 cũng tại Club Unessco Toulouse.
          Sau khi tôi về lại Paris ít lâu, thì ông Hội Trưởng xin từ chức. Ban Chấp Hành bắt đầu lủng củng. Ông Bảy cho tôi hay nhưng vẫn tiến hành Lễ Phật Đản như dự định.
          Đến nay gần 25 năm trôi qua. Sinh hoạt Phật sự tại đây thăng trầm trôi nổi chẳng biết sẽ đi về đâu. Hiện tại Toulouse có 2 ngôi chùa, có 2 Hội Phật giáo. Chùa Linh Sơn ở ngoại ô Cugnaux có Sư Cô Trụ Trì được bà con anh em quyết tâm gìn giữ. Còn chùa Phước Hải ở trong thành phố chưa có trụ trì. Có Thầy, Cô nhưng thoạt tới thoạt đi, chưa có vị nào thường trụ để lo sinh hoạt chăm sóc tinh thần cho bà con Phật tử ở đây. Lớp lớn tuổi mỗi ngày một mất mát, thưa dần, lớp trẻ chưa được tiếp nối lãnh lấy nhiệm vụ một cách đúng mức. Ngôi chùa vẫn thường xuyên bỏ trống...
          Ông Bảy đã mất từ lâu. Tôi được tin muộn nhất. Tôi cầu nguyện cho ông theo nghi thức Phật giáo. Không biết có lúc nào ông nghĩ về sinh hoạt của bà con Phật tử ở Toulouse hay không mà ông chính là người đứng ra cổ động lúc đầu?
          5. Nantes từ năm 1987 : Ngôi chùa Vạn Hạnh ở Nantes (đúng địa chỉ là ở thị xã Saint Harblain, bên cạnh Nantes) vừa làm lễ Khánh thành trang nghiêm trong 3 ngày 6, 7 và 8/6/08 với sự hiện diện đông đảo gần như tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni VN tại Âu Châu. Sau 5 năm trùng tu toàn bộ từ một nhà kho để ương cây trở thành một ngôi chùa Phật với nhiều nét kiến trúc độc đáo Á Đông.
          Ai đến dự lễ cũng đều vui mừng tán thán. Đó là chính nhờ công đức của TT Trụ Trì hiện nay: TT Thích Nguyên Lộc, vừa quyết chí, vừa khéo tay...Đã vậy, mà hiện nay lại có thêm chư Tăng Ni phụ tá đặc trách giảng dạy giáo lý, hướng dẫn tọa thiền người Việt lẫn người Pháp... để cho sinh hoạt của ngôi chùa càng thêm sinh khí. Nhất là ngôi chùa ở 1 tỉnh xa, miền Tây nước Pháp (cách Paris khoảng 400 km) nằm trên bờ Đại Tây Dương, có rất ít người Việt định cư.
          Nhưng ai có biết đâu rằng: Buổi khởi đầu của ngôi chùa Vạn Hạnh này cũng gian nan sóng gió ba chìm bảy nổi. Diễn tiến chịu đựng như thế nào mới có đến ngày nay rực rỡ huy hoàng như thế. Và trong năm qua, còn được diễm phúc đón rước Đức Đạt Lai Lạt Ma ghé lại viếng thăm nhân kỳ giảng giáo lý của Ngài vào giữa tháng 8/2008 tại Nantes.
          Tôi được mời về làm lễ Cầu An đầu năm, Rằm tháng giêng năm Đinh Mão, 1987. Vùng này có một số ít gia đình Việt Nam sinh sống tại Lào, sau biến cố 1975, qua Pháp định cư. Họ làm đủ thứ ngành nghề. Nhưng phát triển nhất là mở tiệm ăn và bán chạp phô Á Châu, hoặc tại tiệm hoặc có xe chở đi bán dạo qua các tỉnh Duyên Hải miền Tây nước Pháp. Trong số này có hai ba gia đình (Ô. Tuệ, Ô. Vy, Ô.Lào...), con cái đông đảo, làm ăn khấm khá. Họ thường lên Paris dự các lễ lớn như Phật Đản, Vu lan...
          Đến đầu năm Đinh Mão, 1987, họ mời tôi về Nantes tổ chức một buổi lễ cầu an đầu năm vào ngày Chủ nhật 1/3/1987 tại một hội trường nhỏ và sau đó có một chương trình văn nghệ kèm theo. Lớp trẻ ở đây (có gốc từ Lào) thích văn nghệ lắm. Phái đoàn chúng tôi từ chùa Khánh Anh đến Nantes vào đêm thứ Bảy được thu xếp nghỉ lại nhà đạo hữu Hoàng Văn Vy, trong một gian phòng với nhiều nhạc khí, nhạc cụ, kèn trống còn để ngổn ngang, vì đám văn nghệ vừa mới tập dượt xong.
          Hôm sau làm lễ tại Hội trường. Bà con vui vẻ. Lần đầu tiên mới tổ chức một buổi lễ Phật công cộng, sau hơn 10 định cư tại đây. Nhân đó các vị "gia trưởng" xin đứng ra lập Hội và bầu một Ban Chấp Hành. Nói là "xin đứng ra lập Hội" nhưng thực tế họ đã tính từ trước, bàn luận sắp xếp rồi, bấy giờ chỉ chờ dịp "trình làng" thôi. Và nhất là có Thầy chứng minh xong là tiến hành ngay. Con cháu đông đảo nhưng chỉ có nghe theo nhiều hơn là đưa ý kiến.
          Kế hoạch kế tiếp : Tổ chức Lễ Phật Đản và tìm địa điểm dựng chùa. Đến ngày 31/5/1987, tôi và ĐĐ Thích Tánh Thiệt (bây giờ là HT) trở lại Nantes làm lễ Phật Đản trong 1 hội trường rộng lớn hơn, trang hoàng rực rỡ tại thị xã Saint Herblain (bên cạnh Nantes). Các cụ làm quy mô, thứ tự lắm. Có đón rước, kèn trống, ca nhạc. Có một chi tiết mà chúng tôi không quên được là các cụ vẫn còn giữ theo phong tục Lào, không cho con cháu (người nữ) ngồi gần chư Tăng. Không cho bưng nước đưa tận tay quý Thầy. Phải để lên bàn. Phải đứng từ đàng xa, chắp tay xá. Mỗi Thầy được dọn một mâm riêng có các cụ đứng gần trông coi. Các bà các cô muốn thưa chuyện gì đến quý Thầy đều phải lấm lét nhìn qua các cụ để... xin phép !
          Bây giờ đây 20 năm qua, các cụ lần lượt đi hết cả rồi, đâu còn ai canh chừng nữa. A Di Đà Phật. Cũng trong năm đó, 1987, sau khi làm lễ Vu lan, sau bài thuyết pháp, tôi nghe báo cáo kết quả quyên góp để xây chùa, và trên vách hội trường có dán 1 tấm họa đồ lớn gọi là "Đồ án ngôi chùa mới" trông có vẻ quy mô vĩ đại lắm.
          Khi ra xe về lại Paris, có một đạo hữu, tôi nhớ dường như bác Lê Văn Lào (cũng ở trong Ban Chấp Hành) xin hướng dẫn ghé qua thăm một ngôi nhà không người ở có thể dùng làm ngôi chùa tạm thời. Đó là một ngôi nhà cũ kỹ để ương cây làm vườn, nhưng ít dùng, gần như bỏ hoang. Lại thêm ở trong một rừng cây um tùm. Đấy chính là địa điểm ngôi chùa Vạn Hạnh bây giờ. Lúc đó đường xa lộ bên cạnh chưa có. Các con đường khác bên hông chùa cũng chưa có, phải tìm đường vào khá vất vả.
          Đến cuối năm đó (1987), tôi nghe nói các cụ lo thủ tục để mua ngôi nhà này. Sau khi mua được nhà, có người cúng ngay tượng Phật bằng đồng từ Thái chuyển sang. Thế là các cụ kêu gọi con cháu, bà con đồng hương xa gần đóng thêm bàn thờ, chỉnh trang cửa nẻo, bếp núc để làm lễ An Vị Phật.
          Rồi từ đó mỗi năm hai ba lần quý Thầy về hướng dẫn lễ bái, giảng dạy giáo lý, tổ chức Gia Đình Phật tử. Nhưng chưa có Thầy nào trụ lại đây. Chỉ đến rồi đi. Các cụ giữ chìa khóa, phân công nhau về chùa đốt hương, quét dọn. Lúc bấy giờ các cụ xin đặt tên Chùa Vạn Hạnh, không chịu tên nào khác mặc dù tôi cho biết tại Âu Châu đã có 2 Chùa "Vạn Hạnh" rồi.
          Mãi đến ngày 2/2/1991, mới có ĐĐ Thích Chúc Nhuận từ chùa Khánh Anh được cử về làm trụ trì và sau đó giữ luôn chức Hội Trưởng của Hội Phật giáo tại đây (Hội Văn Hóa Phật giáo miền Tây (nước Pháp) Association Culturelle Bouđhique de l'Ouest ACBO).
          Khi có Thầy về đảm nhiệm công việc Phật sự, các cụ bắt đầu giảm bớt rồi lần lượt ra đi vì tuổi tác. Tiếp theo là bao nhiêu lủng củng nội bộ bắt đầu xảy ra khiến có người này thì không có người kia. Thơ từ kiện tụng rơi rớt bắt đầu bay về tới Paris. Tuy không có gì nặng lắm, nhưng cũng là những lý do làm cho ngôi chùa trục trặc, trắc trở không đi nhanh được không phát triển hay tu bổ gì được. Sau đó ĐĐ Chúc Nhuận xin di chuyển về Strasbourg, ngôi chùa lại tiếp tục bỏ trống.
          Đến ngày 15/3/96, ĐĐ Thích Nguyên Lộc (nay là Thượng tọa) từ Bordeaux mới được thỉnh về thay thế. Và từ đó đến nay, chùa mới thay hình đổi dạng như trên đã nói. Cầu nguyện cho ngôi chùa có được cơ duyên phát triển mãi mãi làm nơi nương tinh thần cho bà con phật tử người Việt lẫn người Pháp. Nhất là vào mùa hè, khách du lịch đổ về bờ biển Đại Tây Dương của nước Pháp rất đông. Nếu có một ngôi chùa vững mạnh, có một đường hướng hoằng pháp hài hòa văn hóa Đông Tây thì chắc chắn con đường phát huy Đạo Pháp tại đây sẽ đi tới nhanh hơn.
          6. Strasbourg từ năm 1988: Mãi cho đến 1988 mới có một buổi lễ Phật công cộng được tổ chức tại Strasbourg, 1 thành phố miền Đông nước Pháp, cách Paris chừng 450 km. Lý do vì thành phố này nằm vào vùng "tam biên" tức giữa các nước Pháp, Đức và Thụy Sĩ. Xa hơn chút nữa, còn có Luxembourg và Bỉ.
          Cho nên bà con ở đây, có thể di chuyển sang các nước bên cạnh tham dự các buổi lễ hội tôn giáo hay văn nghệ. Vả lại ở đây còn có một ngôi chùa Lào. Nên một số người Việt đã từng sống ở Lào, mỗi khi có lễ thường lui tới chùa này cũng không có gì trở ngại cho lắm.
          Sau biến cố 1975, như ở các thành phố lớn khác một số người tỵ nạn được phân chia về đây định cư. Đây là 1 thành phố có nhiều cơ xưởng nên dễ có công ăn việc làm. Không phải chỉ có người Đông dương tỵ nạn mà còn cả các sắc dân khác như Trung Đông, Phi Châu và sau này có cả dân vùng Đông Âu kéo qua nữa.
          Khi người Việt về định cư ở vùng này tương đối nhiều, họ đứng ra lập một hội gọi là Hội Thân Hữu người Việt tỵ nạn tại Strasbourg rồi tìm cách vận động với chánh quyền địa phương xin một ngôi nhà làm trụ sở sinh hoạt. Kết quả khá tốt, họ được cấp một ngôi nhà, có chỗ hội họp, có một phòng làm thư viện có nhà bếp nhỏ nhỏ để nấu nướng.
          Vào mùa hè năm 1988, một phái đoàn đại diện của Hội này do Giáo sư Phạm Việt Tuyền làm Hội trưởng hướng dẫn đến thăm chùa Khánh Anh Paris và xin tôi đứng ra chủ tọa một buổi lễ Phật tại Hội quán ở Strasbourg cho đa số bà con Phật tử ở đó mà lâu nay chưa được tổ chức. Giáo sư Phạm Việt Tuyền được nhiều người biết đến khi còn ở Saigon. Ông là chủ nhiệm báo Tự Do vào thời đệ nhất Cộng Hòa và giảng dạy tại Văn Khoa Đại học Sài gòn. Ông là người có tín ngưỡng Thiên chúa, nhưng rất cởi mở gần gũi với các tôn giáo khác. Khi sống tỵ nạn tại Strasbourg, làm hội trưởng hội Thân hữu mà đại đa số là Phật tử, ông rất hòa mình làm việc với anh em vui vẻ trong tình đồng hương đồng bào không có tí gì phân biệt tôn giáo.
          Phái đoàn chúng tôi từ chùa Khánh Anh đến làm lễ Vu lan nơi trụ sở Hội Thân Hữu người Việt tỵ nạn tại Strasbourg ngày 28/8/1988. Giáo sư Phạm Việt Tuyền đọc diễn văn chào mừng mở đầu. Sau đó là tiến hành nghi lễ Vu lan với các bà con Phật tử ở đây có các anh Trần Minh Tâm, Lê Tùng Phương, Nguyễn Minh Chính... Sau lễ, có bữa cơm chay do các bà các chị Phật tử ở đây tự liệu bào chế khá hấp dẫn.
          Buổi tối kéo về nhà anh Nguyễn Minh Chính hội họp lập ra Hội Phật tử Việt Nam tại Strasbourg và anh Nguyễn Minh Chính được bầu làm Hội Trưởng. Công tác nhắm đến là chuẩn bị cho lễ Phật Đản tổ chức sắp tới ngày 3/6/1989 tại Strasbourg.
          Sau lễ Phật Đản, mọi người đổ xô nhau đi tìm nơi làm chùa. Mãi hơn 1 năm sau mới tìm thuê được 1 nơi trên tầng lầu cao nhứt của một bin đinh riêng biệt. Khế ước thuê ký được 5 năm. Xung quanh có đất rộng để đậu xe ở địa chỉ 129 Rue de Ganzau 67000 Strasbourg. Bà con Phật tử kêu nhau về làm công quả để chỉnh trang lại có chánh điện, phòng văn nghệ, nhà bếp ... cho kịp Đại lễ An Vị được tổ chức trọng thể ngày 16/12/90. Lúc này Ban Chấp Hành được bầu lại: Ông Nguyễn Thành Xuyên, Hội Trưởng; Cô Jacqueline, Phó và Nguyễn Minh Đức làm Tổng Thư ký. Trước lễ An Vị, vì một lý do gì đó, Ông Ba Xuyên (tức Nguyễn Thành Xuyên) từ chức Hội Trưởng, nên Cô Jacqueline được đôn lên làm Hội Trưởng trong ngày lễ An Vị ngôi chùa tạm thời tại Strasbourg và cũng từ ngày này chính thức có tên là chùa Phổ Hiền.
          Chùa Phổ Hiền vừa ra đời là có Thầy trụ trì ngay không như các chùa khác. Đó là ĐĐ Thích Hải Tịnh từ chùa Thiện Minh ở Lyon tự nguyện về đảm nhiệm.
          Như thế, ai cũng nghĩ rằng còn gì phước báu hơn nữa. Có chùa riêng biệt không phiền hà đến ai. Có Thầy trụ trì trách nhiệm hướng dẫn trực tiếp thì các Phật sự ở đây chắc chắn sẽ vỗ cánh bay cao!
          Những năm về sau này (kể từ năm 1992) quý Thầy thường lui tới Strasbourg vì nơi đây có trụ sở quốc hội Âu Châu. Cho nên có những kỳ biểu tình tuyệt thực, cầu nguyện cho giáo hội tại quê nhà thường tổ chức bên cạnh quốc hội. Địa điểm lui tới nghỉ ngơi hay chuẩn bị công tác không đâu tốt hơn bằng chùa Phổ Hiền.
          Nhưng rồi các thứ chướng duyên cũng không buông tha. Gần hết 5 năm thuê mướn vẫn chưa tìm ra được địa điểm thích hợp. Nội bộ cứ lủng củng, bất hòa, hết lớp này từ chức đến lớp khác bỏ đi. ĐĐ Thích Hải Tịnh xin về Lyon, ĐĐ Chúc Nhuận từ Nantes đến thay thế. Nhưng tình trạng vẫn không sáng sủa gì hơn.
          Hết hạn khế ước thuê mướn 5 năm, dường như có kéo dài thêm một thời gian ngắn để thương lượng với chủ nhà (vì chủ nhà lúc ấy muốn bán trọn luôn cả một tòa bin_đinh, mà giá cao quá mình với không tới). Cuối cùng, đành phải "di tản" Phật tượng Kinh điển, tài sản chùa Phổ Hiền về sinh hoạt tạm nơi tầng hầm nhà bác sĩ Long, lúc đó được bầu làm Hội Trưởng kế tiếp.
          Nhân lý do cầu siêu cho một đạo hữu, Sư Bà Thích Nữ Như Tuấn ghé qua Strasbourg, và được Phật tử tại đây mến mộ, tha thiết cung thỉnh ở lại. Sư Bà giao chùa Phổ Đà ở Marseille cho đệ tử trông coi để thường xuyên về đây sinh hoạt. Nhưng chùa (Phổ Hiền) không còn Sư Bà phải tạm ở nhà Phật tử, lui tới "chùa hầm" nhà bác sĩ Long mỗi khi có lễ...
          Mãi một thời gian sau mới tìm ra được địa điểm bây giờ. Sư Bà và Hội kêu gọi bà con đa thiểu góp lại mua làm chùa Phổ Hiền ở địa chỉ số 7 Rue de Guebwiller 67100 Neuhof Strasbourg. Nhưng vấn đề không đơn giản. Lâu nay, Hội còn để dành một số tiền để "mua chùa" nhưng không đủ phải vay nhà băng thêm. Mà hội thì không đứng tên vay được, phải vay với tính cách cá nhân. Do vậy "mua chùa" cũng đành phải chấp nhận mua với tính cách cá nhân.
          Bây giờ sau nhiều năm sinh hoạt nợ nần nhà băng đã giảm xuống. Gần đây, bà con ra chưởng khế (notaire) tìm cách xin chuyển sang sở hữu của Hội chùa Phổ Hiền. Việc này đã thực hiện xong chỉ còn chờ một thời gian theo luật định mới có hiệu lực. Một điều thuận duyên nữa là: Sư Cô Thích Nữ Như Quang (đệ tử Sư Bà) được bà con Phật tử tại đây tín nhiệm thỉnh làm Trụ Trì thay thế Sư Bà thường đi Phật sự phương xa.
          Sau 20 năm, mây mù mới bắt đầu tan biến dần dần trên bầu trời Strasbourg hay đúng hơn trên mái chùa Phổ Hiền. Xin bà con phật tử ở đây hãy nương nhờ cơ hội này, thành tâm cầu nguyện cho tình trạng mỗi ngày một sáng tỏ hơn nữa để khỏi phụ lòng chư Tôn Đức kỳ vọng ở ngôi chùa Việt nằm trên vùng đất Tam biên hy hữu này...
          7. Montpellier từ 1989 và Bésançon từ 1990 :
          Hai địa phương sau cùng trên đất Pháp có liên lạc với chùa Khánh Anh và tổ chức các buổi lễ Phật, học tập giáo lý cũng như tham gia vào các sinh hoạt của Giáo hội Âu châu sau này. Đó là Montpellier và Bésançon.
          - Montpellier, một thành phố miền Nam nước Pháp, nằm trên bờ biển Địa Trung Hải.
          Thành phố này, theo lịch sử, khi đường hàng không chưa phát triển, mọi sự giao thương chỉ có hàng hải, thì miền Nam nước Pháp là những hải cảng thuận tiện tiếp cận với nước ngoài. Montpellier là một thành phố duyên hải quan trọng của Pháp vào thời đó đã có một lịch sử lâu đời và có một trường Đại học nổi tiếng từ trước tại đây.
          Anh Nguyễn Duy Thông, một sinh viên VN du học từ trước 1975 và trở thành Giáo sư Đại học tại vùng này. Anh đứng ra thành lập Hội Phật giáo vùng Languedoc-Roussillon (tên địa phương) lúc nào tôi không nhớ rõ. Anh liên lạc với chùa Khánh Anh đầu tiên qua Khóa học Phật Pháp tại Thụy Sĩ 1988. Từ đó anh vận động thêm các bà con Phật tử trong vùng đi học giáo lý hay tham gia các sinh hoạt của chùa Khánh Anh cũng như Giáo hội Âu châu.
          Đến ngày 12/3/89, anh tổ chức lễ Cầu an đầu năm Kỷ Tỵ và tiếp theo là tổ chức lễ Phật Đản ngày 27/5/89 tại 1 Hội trường trong thành phố. Vào dịp này có 2 nữ ca sĩ Thanh Thúy và Thanh Tuyền về hát cho chương trình Phật Đản ở Paris, cũng được mời ghé qua Montpellier trình diễn văn nghệ. Bà con hết sức hoan hỉ.
          Năm sau, ngày 24/2/90, Lễ An Vị Phật ở một căn nhà nhỏ dùng làm Niệm Phật đường. Đến mùa hè năm đó, một Khóa giáo lý weekend từ 25-27/8/90 được tổ chức tại một tư gia khá rộng của một Phật tử cho mượn và liền sau Khóa giáo lý tổ chức luôn lễ Vu Lan, cũng tại cùng 1 địa điểm.
          Những năm về sau, anh thường kêu gọi các bà con về thẳng Paris để tham gia trực tiếp các sinh hoạt của Giáo hội thay vì tổ chức tại địa phương.
          - Bésançon, một thành phố nhỏ nằm ở miền Trung nước Pháp, gần Thụy Sĩ, cách Paris 2 giờ 30 phút đi tàu cao tốc TGV. Một thành phố ngày xưa nghe nổi tiếng về nghề làm đồng hồ. Nhưng từ ngày đồng hồ điện tử ra đời, kỹ nghệ đồng hồ Jaz tại đây gần như biến mất chuyển sang những ngành kinh tế khác.
          Không biết bà con Việt Nam đến đây sinh sống từ lúc nào. Khi tôi được liên lạc và mời xuống đây làm lễ Phật Đản đầu tiên vào năm 1990 thì được biết đã có 1 số đồng hương vài chục gia đình sinh sống tại đây.
          Ông Nguyễn văn Điện, một cựu quân nhân từ thời Pháp, người có nhiều quen biết đứng ra vận động tổ chức buổi lễ. Sau lễ Phật Đản 1990, bà con đưa kế hoạch tổ chức lễ Vu lan 16/9/90. Rồi lập Hội Phật giáo. Biên bản sau cùng chúng tôi nhận được là Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2000-2002 (do Bác sĩ Nguyễn văn Cường làm Tổng thư ký gởi đến). Nhưng rồi từ đó, bà con vì sinh kế, vì tuổi tác, di chuyển đó đây, không còn nhiều người như trước. Nên các sinh hoạt Phật sự giảm đi hay chỉ thu hẹp trong phạm vi cá nhân hoặc di chuyển tham gia ở các thành phố lân cận.
          (Kỳ sau : Mở rộng Phật sự sang các nước Âu châu)   -  (Tiếp tục phần 12)

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Phỏng Vấn Ba Huynh Trưởng Cấp Dũng . . .
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 12) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 10) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 9) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 8) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 7) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 6) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 5) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt ( Kỳ 4) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 3) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3149098
Có -642 Khách Đang Online